Thời đỉnh điểm của thị bất động sản Đà Nẵng (cuối năm 2018 - đầu năm 2019), giá cả mua bán đất tại các phân khúc liên tục tăng. Kèm theo đó, giá trị ảo cũng biến động liên tục, bởi các nhà đầu tư "lướt sóng" liên tục tạo sóng, gây sốt.
Cũng chính vì gây sốt ảo tại thời điểm đỉnh điểm, từ 2 năm trở lại đây, dù không còn giá trị ảo và giá mua bán đất tại Đà Nẵng đang ở vùng đáy, nhưng người dân vẫn gặp khó khăn trong việc mua đất, xây nhà.
Là dân ngoại tỉnh, sống và làm việc ở TP. Đà Nẵng gần 10 năm, anh V.N.H. quê ở tỉnh Quảng Nam cho biết, anh mong muốn có căn nhà ở TP. Đà Nẵng để ổn định đời sống và tránh những bất tiện gặp phải khi thuê nhà. Tuy nhiên, việc mua đất của anh gặp không ít khó khăn, trong khi đó, thu nhập của vợ chồng anh mỗi tháng nằm trong khoảng từ 18-20 triệu đồng.
"Tôi thấy giá đất sốt ảo từ năm 2018, đến khi hạ nhiệt vào cuối năm 2019 cũng như trải qua 3 đợt dịch vẫn còn khá cao so với mặt bằng chung và thu nhập của người dân", anh H. chia sẻ.
Để mua được nhà, ngoài tiền tích góp nhiều năm và gia đình cho thêm, vợ chồng anh H. phải vay mượn khắp nơi cũng chỉ đủ mua một lô đất trong kiệt 2.5m, ven thành phố.
Phải loay hoay "chạy" sản phẩm bất động sản đã đầu tư, đó là tình trạng mà nhà đầu tư "lướt ván" vay vốn ở Đà Nẵng phải chịu áp lực từ việc trả lãi ngân hàng, bởi nhu cầu mua bán bất động sản bị đóng băng.
Theo chị N.T.T.T., một nhà đầu tư lướt "sóng" cho hay, thời điểm đầu năm 2019, thấy tình hình bất động sản tại Đà Nẵng đang sốt và có nhiều tiềm năng để đầu tư sinh lời, chị đã cầm cố nhà, để vay ngân hàng hằng trăm triệu đồng đầu tư bất động sản khu vực Hòa Xuân (TP. Đà Nẵng).
Sau khi đầu tư tại khu vực Hòa Xuân, đến giữa năm 2019, bất động sản Đà Nẵng bắt đầu có dấu hiệu đóng băng, chị phải tìm cách bán đi lô đất đã đầu tư, với mong muốn hòa vốn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, không chỉ sức mua giảm, giá bán cũng hạ theo. Trong khi đó, chị phải trả tiền gốc lẫn tiền lời cho ngân hàng, hàng tháng.
"Tuy đã bán được lô đất đã đầu tư tại khu vực Hòa Xuân vào cuối năm 2019, nhưng tôi cũng phải chịu lỗ một khoảng lớn, để giải quyết áp lực từ nợ ngân hàng", chị N.T.T.T. chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho biết, trong các kênh đầu tư dài hạn thì bất động sản nói chung là kênh đầu tư an toàn và mang lại tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong khoảng thời gian hơn 10 năm lại đây tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc đầu tư bất động sản dựa trên lựa chọn đúng thời điểm chu kỳ của thị trường để mua vào hay bán ra và nhận diện đúng xu hướng phát triển về hạ tầng, các yếu tố kinh tế vĩ mô lại có tính chất quyết định trong việc thu lại lợi nhuận
Nhân định về hoạt động đầu tư lướt sóng, theo ông Lập, nhà đầu tư "lướt sóng" thực chất là những nhà đầu cơ trên thị trường. Đây là những đối tượng chính gây bất ổn cho thị trường bất động sản. Họ tạo sóng, gây sốt ảo để bán ra trục lợi và sẵn sàng tung tin đồn thất thiệt, tạo tâm lý hoang mang để dìm giá về dưới vùng đáy của thị trường để mua vào.
Cùng với đó, nhà đầu tư "lướt sóng" mua đầu cơ kiếm lợi nhuận ngắn hạn nên hầu như không đầu tư gia tăng giá trị bất động sản, không tạo ra giá trị cho thị trường, cho xã hội. Không giúp cho thị trường phát triển bền vững. Họ chỉ tập trung kiếm lợi dựa trên lợi thế thông tin và truyền thông bẩn.
Ông Lập cho biết, mỗi thị trường còn ảnh hưởng bởi quy luật cung - cầu, quy luật về giá trị, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khác nhau nên thị trường bất động sản tại mỗi địa phương lại có sự tăng – giảm khác nhau.
Chính vì vậy, thị trường bất động sản Đà Nẵng hiện nay đang ở vùng đáy của chu kỳ, trong khi đó các vùng khác như TP.HCM và nhiều nơi khác lại đang tạo lập đỉnh.
Phước Nguyên - Theo Nhà đầu tư
Tin nổi bật Đầu tư bất động sản