Chỉ còn vài tuần nữa, hàng trăm nghìn thí sinh sẽ lên thành phố nhập học. Ngoài ký túc xá trường đại học, nhiều bạn sinh viên chọn sống nhà trọ vì ưu điểm thoải mái giờ giấc, ăn uống thoải mái và có không gian yên tĩnh cho riêng mình. Nhưng đối với sinh viên tỉnh lẻ, việc tìm được cho mình một nhà trọ phù hợp là vấn đề nan giải vô cùng.
Ai là sinh viên đã từng đi tìm nhà trọ chắc hẳn quen với cảnh này. Nhà trọ thì nhiều vô kể, đi vài nơi lại thấy có người nhảy ra giới thiệu nhà giá rẻ cho bạn. Rẻ thì chưa thấy đâu, chỉ biết bước vào là những căn phòng ẩm thấp, hôi hám, thiếu mạng internet trong khi giá thuê, giá điện nước thì chủ nhà hét "trên trời". Thế là sinh viên đành ngầm ngụi không thuê được phòng, nhưng vẫn phải chịu rút vài trăm nghìn cho tay môi giới.
Những câu chuyện bức xúc về nhà trọ năm nào cũng được sinh viên share khắp mạng xã hội cho các tân sinh viên "chân ướt chân ráo" lên Thủ đô biết đường tránh. Muốn thuê được nhà trọ hợp lý, các bạn nhất định phải thông thái và cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo.
1. Đừng bao giờ tin vào mấy bảng cho thuê phòng trọ sinh viên giá rẻ hay các tờ in dán trên tường và cột điện. Nếu muốn kiếm trọ, hãy kiếm mấy nhà trọ có treo bảng cho thuê ngay trước cửa hay tìm kiếm trong các hội nhóm uy tín trên mạng xã hội.
2. Các chiêu bài xấu của chủ trọ tinh quái như soi mói đời sống cá nhân, đặt ra hàng loạt quy định vô lý, quỵt tiền đặt cọc, thu tiền điện nước giá "cắt cổ"... đều được các bạn sinh viên khóa trước đăng đàn bóc phốt. Nhớ check list các phòng trọ đen khu vực muốn ở, bạn sẽ né được vô vàn tình huống khóc dở chết dở tương tự vậy.
3. Mẹo nhỏ khi muốn tìm hiểu kỹ về ngôi nhà, đừng hỏi chủ trọ mà hãy thẳng tiến đi hỏi hàng xóm, đặc biệt là các bà bán hàng đầu ngõ. Muốn thu hút được nhiều khách, hầu như nhà chủ sẽ không kể cho bạn những bí-mật-không-ai-muốn-biết. Nhiệt tình một chút, bạn nhất định sẽ có được những thông tin mình cần!
4. Hợp đồng là duy nhất, là số một. Có thể bạn ngại đọc những trang giấy dày đặc chữ nhưng hãy tập làm quen với điều đó đi. Hợp đồng là bằng chứng rõ ràng nhất để đôi bên không lật mặt nhau nếu mai này đường ai nấy đi. Hãy nhớ: "No contract, no money".
5. Hãy đọc kỹ điều khoản hợp đồng như tiền đóng, thời gian đóng tiền cùng các nội quy phòng trọ khác. Ngoài ra cần kiểm tra kỹ người kí hợp đồng với mình có phải chủ thực tế hay không. Nếu người thuê nguyên nhà rồi cho thuê lại sẽ có nguy cơ một ngày nào đó, bạn được báo cuối tuần phải dọn đi ngay vì nhà bị lấy lại.
6. Có những quy tắc ngầm chỉ những người ở lâu mới biết được như không được làm việc này, không được làm việc nọ… Nhất định phải nắm vững nội quy phòng trọ để giữ hòa khí với chủ nhà và 500 anh em cùng thuê khác.
7. Hãy kiểm tra kỹ lại tất cả đồ nhà trọ một lượt như khóa cổng, khóa phòng, các đồ đạc được bàn giao, các đường ống dẫn nước… để đảm bảo tất cả đồ còn dùng được lâu và lỗi hỏng lần gần nhất là do bạn chứ không phải đồ đã quá hạn sử dụng rồi nhé!
8. Nếu tính ở đâu lâu thì nhất định phải đi đăng ký tạm trú, đăng ký ngay trong tháng đầu mới chuyển đến. Vì đây là quy định của Pháp luật để phục vụ công tác trị an. Nếu không có, bạn có thể sẽ đối mặt với viễn cảnh tương lai bị Công an khám nhà và mất vài trăm nghìn tiền phạt.
9. Và cuối cùng, cái gì không biết nhưng biết điều nhất định phải biết! Việc sống hòa thuận với những người xung quanh sẽ giúp cuộc sống sinh viên của bạn bớt thị phi hơn. Bạn không làm phiền người ta, sống văn minh, lịch sự thì không ai có lý do gì để làm bạn khó chịu. Nếu có, bạn hoàn toàn có quyền liên lạc với chủ nhà hoặc nói chuyện trực tiếp để phản ánh rõ ràng.
Theo Vân Trang - Helino
Tin nổi bật Cho thuê