Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 - Điều 40 đến Điều 57 - Chương III

Đã xem: 7
Cập nhât: 4 tháng trước
Chương III của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 có 18 Điều, quy định chi tiết về hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

=Bấm nghe Audio

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 40. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

4. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

5. Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

Điều 42. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

a) Uỷ ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Cơ quan điều tra;

d) Các cục, vụ, viện và tương đương;

đ) Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các cơ quan báo chí và các đơn vị sự nghiệp công lập khác;

e) Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; công chức khác, viên chức và người lao động khác.

Điều 43. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

c) Một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:

a) Chương trình, kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát nhân dân;

b) Dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;

c) Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về những ý kiến của Viện trưởng không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm gửi Thủ tướng Chính phủ;

đ) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

e) Đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển chọn, xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 2 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.

4. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 44. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Các viện và tương đương.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 45. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Uỷ ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Báo cáo tổng kết công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 46. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có:

a) Uỷ ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Các phòng và tương đương.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 47. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

1. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Uỷ ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 48. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 49. Thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân

 Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát quân sự

1. Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quân đội.

2. Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát quân sự có nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật này; bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh.

3. Viện kiểm sát quân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Chương II của Luật này và kiểm sát thi hành án dân sự quy định tại Điều 28 của Luật này.

Điều 51. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự

1. Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.

3. Viện kiểm sát quân sự khu vực.

Điều 52. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có:

a) Uỷ ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Cơ quan điều tra;

d) Các phòng và tương đương.

3. Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 53. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Uỷ ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát quân sự;

b) Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác của Viện kiểm sát quân sự;

c) Kiến nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quân đội;

d) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

đ) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 54. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương gồm có:

a) Uỷ ban kiểm sát;

b) Các ban và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 55. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

1. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Uỷ ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.

3. Uỷ ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát quân sự trung ương;

b) Báo cáo tổng kết công tác với Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương và Tư lệnh quân khu và tương đương;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 56. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự khu vực

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự khu vực gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát quân sự khu vực có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 57. Thành lập, giải thể Viện kiểm sát quân sự

Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Đăng bởi Phương Thảo 02-02-2024 7

Chuyên mục: Luật Hiến pháp

Tin nổi bật Luật Hiến pháp