Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 - Điều 128 đến Điều 143 - Chương VII và Chương VIII

Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Chương 7 & Chương 8 có 16 Điều, là những quy định cụ thể và chi tiết về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và điều khoản thi hành của Luật này.

=Bấm nghe Audio

➽➽➽Tải vềLuật Tổ chức chính quyền địa phương 2015

CHƯƠNG VII

THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, NHẬP, CHIA, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Mục 1

NGUYÊN TẮC, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, NHẬP, CHIA,

ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

Điều 128. Nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Đơn vị hành chính được tổ chức ổn định trên cơ sở các đơn vị hành chính hiện có. Khuyến khích việc nhập các đơn vị hành chính cùng cấp.

2. Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp cần thiết và phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

a) Phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp; phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương;

c) Bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương; tạo sự thuận tiện cho Nhân dân;

đ) Việc thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải căn cứ vào tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 của Luật này phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo.

3. Việc giải thể đơn vị hành chính chỉ thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh  của địa phương hoặc của quốc gia;

b) Do thay đổi các yếu tố địa lý, địa hình tác động đến sự tồn tại của đơn vị hành chính đó.

4. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính quy định tại điểm đ khoản 2 Điều này.

Điều 129. Thẩm quyền quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính, giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính

1. Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp tỉnh; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

3. Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính; đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính; giải quyết tranh chấp liên quan đến địa giới đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 130. Xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Bộ Nội vụ tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh trình Quốc hội.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc báo cáo Chính phủ. 

3. Kinh phí xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Chính phủ.

Điều 131. Lấy ý kiến Nhân dân địa phương về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải được lấy ý kiến của Nhân dân là cử tri ở đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Việc lấy ý kiến cử tri được thực hiện theo hình thức phát phiếu lấy ý kiến cử tri. 

2. Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến cử tri đối với việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính và thực hiện các công việc sau đây:

a) Quyết định thời gian lấy ý kiến, mẫu phiếu lấy ý kiến và các tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc lấy ý kiến cử tri; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến;

c) Bảo đảm kinh phí và các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri;

d) Công khai kết quả lấy ý kiến cử tri trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. 

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Tổ chức việc lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh;

b) Phân bổ kinh phí và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn;

c) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp dưới trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;

d) Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn tỉnh.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri;

b) Thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung lấy ý kiến trên địa bàn;

c) Tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:

a) Lập danh sách cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến; 

b) Quyết định việc phát phiếu lấy ý kiến cử tri tại xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm khu dân cư trên địa bàn;

c) Tổ chức lấy ý kiến cử tri theo từng thôn, tổ dân phố;

d) Tổng hợp biên bản họp, phiếu lấy ý kiến của cử tri; lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri địa phương.

6. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri phải thể hiện tổng số cử tri trên địa bàn, số cử tri tham gia lấy ý kiến, số cử tri đồng ý, số cử tri không đồng ý, các ý kiến khác. Báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp huyện, cấp xã được gửi đến Hội đồng nhân dân cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp trên; báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn cấp tỉnh được gửi đến Chính phủ và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Điều 132. Hội đồng nhân dân thông qua đề nghị thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Sau khi lấy ý kiến cử tri về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nếu có trên năm mươi phần trăm tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính có liên quan để lấy ý kiến.

2. Trên cơ sở ý kiến của cử tri địa phương, dự thảo đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do cơ quan chịu trách nhiệm gửi đến, Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh có liên quan thảo luận, biểu quyết về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính theo trình tự từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh.

3. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã về việc tán thành hoặc không tán thành chủ trương thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp huyện; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp huyện được gửi đến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp chung, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 133. Thẩm tra đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính

1. Ủy ban pháp luật của Quốc hội thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh để báo cáo Quốc hội; thẩm tra đề án của Chính phủ về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

2. Hồ sơ thẩm tra gồm có:

a) Tờ trình về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

b) Đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

c) Báo cáo đánh giá tác động của việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính;

d) Báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức có liên quan;

đ) Dự thảo nghị quyết thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính.

Mục 2

TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG TRƯỜNG HỢP THAY ĐỔI ĐỊA GIỚI ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH

VÀ CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT KHÁC

Điều 134. Tổ chức chính quyền địa phương khi nhập các đơn vị hành chính cùng cấp

1. Trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu Hội đồng nhân dân của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 1 Điều này do một triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.

3. Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 1 Điều này bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 83 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

Điều 135. Tổ chức chính quyền địa phương khi chia một đơn vị hành chính thành nhiều đơn vị hành chính cùng cấp

1. Trường hợp một đơn vị hành chính được chia thành nhiều đơn vị hành chính mới cùng cấp thì các đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu hoặc công tác ở địa phận thuộc đơn vị hành chính mới nào thì hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính đó và tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Trường hợp Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính mới có số đại biểu lớn hơn hoặc bằng hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này thì Hội đồng nhân dân mới bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 83 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

3. Trường hợp số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính mới không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật này và thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng thì tiến hành bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật về bầu cử. Hội đồng nhân dân sau khi đã được bầu bổ sung đại biểu tiến hành bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định tại Điều 83 của Luật này và hoạt động cho đến khi Hội đồng nhân dân khóa mới được bầu ra.

4. Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính mới quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này do một triệu tập viên được Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định trong số đại biểu Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới, đối với cấp tỉnh thì do Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định, để triệu tập và chủ tọa cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới.

5. Trường hợp số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính mới không đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo quy định của Luật này và thời gian còn lại của nhiệm kỳ ít hơn hoặc bằng 18 tháng thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân, theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính trước khi được chia để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật này.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thì Thủ tướng Chính phủ chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật này cho đến khi Ủy ban nhân dân khóa mới được bầu ra.  

Điều 136. Tổ chức chính quyền địa phương khi thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần địa giới của các đơn vị hành chính khác

1. Trường hợp thành lập mới một đơn vị hành chính trên cơ sở điều chỉnh một phần địa phận và dân cư của một số đơn vị hành chính cùng cấp khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phận đó được hợp thành Hội đồng nhân dân của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động ở đơn vị mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Việc tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính mới được thành lập thực hiện theo quy định tại Điều 135 của Luật này.

3. Hội đồng nhân dân tại đơn vị hành chính được điều chỉnh một phần địa giới để thành lập đơn vị hành chính mới tiếp tục hoạt động; việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Điều 137. Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân khi điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính hoặc di chuyển tập thể dân cư

1. Trường hợp một phần địa phận và dân cư của đơn vị hành chính này được điều chỉnh về một đơn vị hành chính khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc địa phận đó sẽ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tương đương và tiếp tục hoạt động ở đơn vị hành chính mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.

2. Trường hợp một tập thể dân cư được di chuyển đến nơi khác thì đại biểu Hội đồng nhân dân nào chuyển theo tập thể đó sẽ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tương đương và tiếp tục hoạt động ở đơn vị hành chính mới cho đến khi hết nhiệm kỳ.

Điều 138. Hoạt động của Hội đồng nhân dân khi không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân

1. Trường hợp Hội đồng nhân dân không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo quy định của Luật này và thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng thì việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

2. Trường hợp Hội đồng nhân dân không còn đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo quy định của Luật này và thời gian còn lại của nhiệm kỳ ít hơn hoặc bằng 18 tháng thì Hội đồng nhân dân chỉ thảo luận và quyết định về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều này. Trường hợp khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân; đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thì Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân. 

Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.

3. Chủ tịch Hội đồng nhân dân hoặc Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân trong việc chuẩn bị hội nghị của các đại biểu Hội đồng nhân dân; triệu tập và chủ tọa hội nghị của các đại biểu Hội đồng nhân dân để bàn và ra nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách địa phương;  

b) Tổng hợp chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri để báo cáo với hội nghị của các đại biểu Hội đồng nhân dân;

c) Giữ mối liên hệ, đôn đốc và tạo điều kiện để các đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động;

d) Triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

đ) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác của Thường trực Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 139. Giải tán Hội đồng nhân dân

1. Hội đồng nhân dân làm thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhân dân thì bị giải tán.   

2. Thẩm quyền giải tán Hội đồng nhân dân được quy định như sau:  

a) Ủy ban thường vụ Quốc hội giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;

b) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giải tán Hội đồng nhân dân cấp huyện;

c) Hội đồng nhân dân cấp huyện giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã.

3. Nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp xã của Hội đồng nhân dân cấp huyện phải trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn; nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp huyện của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. 

4. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bị giải tán chấm dứt hoạt động kể từ ngày nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.

Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã bị giải tán chấm dứt hoạt động kể từ ngày nghị quyết giải tán Hội đồng nhân dân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê chuẩn.

5. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân bị giải tán thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời, đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thì Thủ tướng Chính phủ chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời, để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân theo quy định của Luật này cho đến khi Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân mới được bầu ra.

6. Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp giải tán Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong trường hợp giải tán Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã. Việc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử. Hội đồng nhân dân mới được bầu ra làm nhiệm vụ cho đến khi hết nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bị giải tán. 

CHƯƠNG VIII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 140. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Luật quy hoạch đô thị

Sửa đổi, bổ sung Điều 4 của Luật quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 như sau: 

“Điều 4. Phân loại đô thị

1. Đô thị được phân thành 6 loại gồm loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V theo các tiêu chí cơ bản sau đây:

a) Vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị;

b) Quy mô dân số;

c) Mật độ dân số;

d) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp;

đ) Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng.

2. Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể việc phân loại đô thị phù hợp từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.”

Điều 141. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 142 của Luật này.  

Điều 142. Điều khoản chuyển tiếp 

1. Từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành cho đến khi bầu ra Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11.

2. Chấm dứt việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường theo Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội, Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tiếp tục giữ nguyên cơ cấu tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11, Nghị quyết số 26/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 của Ủy ban thường vụ Quốc hội cho đến khi bầu ra chính quyền địa phương ở huyện, quận, phường theo quy định của Luật này.

Điều 143. Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành

Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật và hướng dẫn việc thi hành Luật.

--------------------------------------------------------------------------

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

(Đã ký)

Nguyễn Sinh Hùng

Các bài viết liên qua đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 - Điều 128 đến Điều 143 - Chương VII và Chương VIII