Hiến pháp 1959 - Điều 78 đến Điều 112 của Chương 7 đến Chương 10

Đã xem: 13
Cập nhât: 3 tháng trước
Nội dung Hiến pháp 1959 từ chương 7 đến chương 10 có 35 điều gồm những quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, Quốc kỳ, Quốc huy, Thủ đô, việc sửa đổi Hiến pháp.

=Bấm nghe Audio

Chương 7:

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH ĐỊA PHƯƠNG CÁC CẤP

Điều 78

Các đơn vị hành chính trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà phân định như sau:

Nước chia thành tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương;

Tỉnh chia thành huyện, thành phố, thị xã;

Huyện chia thành xã, thị trấn.

Các đơn vị hành chính trong khu vực tự trị do luật định.

Điều 79

Các đơn vị hành chính kể trên đều thành lập Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.

Các thành phố có thể chia thành khu phố có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính theo quyết định của Hội đồng Chính phủ.

Điều 80

Hội đồng nhân dân các cấp là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.

Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân địa phương bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương.

Điều 81

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương là ba năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân huyện, thành phố, thị xã, xã, thị trấn, khu phố là hai năm.

Nhiệm kỳ của mỗi khoá Hội đồng nhân dân các cấp trong khu vực tự trị do luật định.

Thể lệ tuyển cử và số đại biểu của Hội đồng nhân dân các cấp do luật định.

Điều 82

Hội đồng nhân dân bảo đảm sự tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhà nước ở địa phương; đặt kế hoạch xây dựng kinh tế, văn hoá và những sự nghiệp lợi ích công cộng ở địa phương; xét duyệt và phê chuẩn dự toán và quyết toán ngân sách của địa phương; duy trì trật tự và an ninh ở địa phương, bảo vệ tài sản công cộng, bảo hộ quyền lợi của công dân, bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc.

Điều 83

Căn cứ vào pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên, Hội đồng nhân dân ra những nghị quyết thi hành ở địa phương.

Điều 84

Hội đồng nhân dân bầu ra Uỷ ban hành chính và có quyền bãi miễn các thành viên của Uỷ ban hành chính.

Hội đồng nhân dân bầu và bãi miễn Chánh án Toà án nhân dân cấp mình.

Điều 85

Hội đồng nhân dân có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp mình; có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và những quyết định không thích đáng của Uỷ ban hành chính cấp dưới trực tiếp.

Điều 86

Hội đồng nhân dân các cấp có quyền giải tán Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Hội đồng nhân dân này làm thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân một cách nghiêm trọng. Nghị quyết giải tán phải được Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn trước khi thi hành. Nghị quyết giải tán phải được Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn trước khi thi hành. Nghị quyết giải tán của Hội đồng nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương phải được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn trước khi thi hành.

Điều 87

Uỷ ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân địa phương, là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương.

Điều 88

Uỷ ban hành chính gồm có Chủ tịch, một hoặc nhiều Phó Chủ tịch, uỷ viên thư ký và các uỷ viên.

Nhiệm kỳ của Uỷ ban hành chính theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân đã bầu ra mình.

Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ hoặc bị giải tán, Uỷ ban hành chính tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân mới bầu ra Uỷ ban hành chính mới.

Tổ chức của Uỷ ban hành chính các cấp do luật định.

Điều 89

Uỷ ban hành chính các cấp quản lý công tác hành chính của địa phương; chấp hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp mình và nghị quyết, mệnh lệnh của cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên.

Uỷ ban hành chính các cấp chiếu theo quyền hạn do luật định mà ra quyết định, chỉ thị và kiểm tra việc thi hành những quyết định, chỉ thị ấy.

Điều 90

Uỷ ban hành chính các cấp lãnh đạo công tác của các ngành thuộc quyền mình và của các Uỷ ban hành chính cấp dưới.

Uỷ ban hành chính các cấp có quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ những quyết định không thích đáng của các ngành công tác thuộc quyền mình và của Uỷ ban hành chính cấp dưới.

Uỷ ban hành chính các cấp có quyền đình chỉ việc thi hành những nghị quyết không thích đáng của Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp và đề nghị Hội đồng nhân dân cấp mình sửa đổi hoặc bãi bỏ những nghị quyết ấy.

Điều 91

Uỷ ban hành chính các cấp chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cấp mình và trước cơ quan hành chính Nhà nước cấp trên trực tiếp.

Uỷ ban hành chính các cấp chịu sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN HÀNH CHÍNH Ở CÁC KHU TỰ TRỊ

Điều 92

Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính ở các khu tự trị phải căn cứ vào những nguyên tắc cơ bản về tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp quy định ở trên.

Điều 93

Trong những khu vực tự trị có nhiều dân tộc sống xen lẫn, Hội đồng nhân dân sẽ có số đại biểu thích đáng của các dân tộc.

Điều 94

Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các khu tự trị chiếu theo phạm vi quyền hạn tự trị do pháp luật quy định mà đặt kế hoạch phát triển kinh tế và văn hoá thích hợp với tình hình địa phương, quản lý tài chính, tổ chức các lực lượng dân quân tự vệ và công an của địa phương.

Điều 95

Trong phạm vi quyền hạn tự trị, Hội đồng nhân dân các khu tự trị có thể chiếu theo những đặc điểm chính trị, kinh tế, văn hoá của các dân tộc ở địa phương mà đặt ra điều lệ tự trị và những điều lệ về những vấn đề riêng biệt để thi hành ở địa phương sau khi đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

Điều 96

Cơ quan Nhà nước cấp trên phải bảo đảm cho Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các khu vực tự trị sử dụng quyền tự trị và giúp đỡ các dân tộc thiểu số tiến hành thuận lợi việc xây dựng chính trị, kinh tế và văn hoá của mình.

Chương 8:

TOÀ ÁN NHÂN DÂN VÀ VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

TOÀ ÁN NHÂN DÂN

Điều 97

Toà án nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, các Toà án nhân dân địa phương, các Toà án quân sự là những cơ quan xét xử của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội có thể quyết định thành lập Toà án đặc biệt.

Điều 98

Các Toà án nhân dân thực hành chế độ thẩm phán bầu theo quy định của pháp luật.

Nhiệm kỳ của Chánh án Toà án nhân dân tối cao là năm năm.

Tổ chức của các Toà án nhân dân do luật định.

Điều 99

Việc xét xử ở các Toà án nhân dân có hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của pháp luật. Khi xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán.

Điều 100

Khi xét xử, Toà án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều 101

Việc xét xử tại các Toà án nhân dân đều công khai, trừ những trường hợp đặc biệt do luật định.

Quyền bào chữa của người bị cáo được bảo đảm.

Điều 102

Toà án nhân dân bảo đảm cho công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà thuộc các dân tộc thiểu số có thể dùng tiếng nói và chữ viết của mình trước Toà án.

Điều 103

Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Toà án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Toà án nhân dân địa phương, Toà án quân sự và Toà án đặc biệt.

Điều 104

Toà án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Các Toà án nhân dân địa phương chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân địa phương.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 105

Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân.

Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định.

Điều 106

Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là năm năm.

Tổ chức của các Viện kiểm sát nhân dân do luật định.

Điều 107

Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 108

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Hiến pháp 1959 Điều 78 đến Điều 112 - Unio.vn

Chương 9:

QUỐC KỲ - QUỐC HUY - THỦ ĐÔ

Điều 109

Quốc kỳ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh.

Điều 110

Quốc huy nước Việt Nam dân chủ cộng hoà hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng cưa và dòng chữ "Việt Nam dân chủ cộng hoà".

Điều 111

Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là Hà Nội.

Chương 10:

SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP

Điều 112

Chỉ có Quốc hội mới có quyền sửa đổi Hiến pháp. Việc sửa đổi phải được ít nhất là hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành.

Bản Hiến pháp này đã được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá thứ nhất, kỳ họp thứ 11, nhất trí thông qua trong phiên họp ngày 31 tháng 12 năm 1959, hồi 15 giờ 50.

T.M. CHỦ TỊCH ĐOÀN

Tôn Đức Thắng

Đăng bởi Phương Thảo 03-02-2024 13

Chuyên mục: Luật Hiến pháp
Tags: Hiến pháp

Tin nổi bật Luật Hiến pháp